KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN THỌ

Đăng lúc: 09:43:13 10/02/2023 (GMT+7)

KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN THỌ

 

KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN THỌ

 

I. VÀI NÉT VỀ ĐỊA PHƯƠNG.

1. Vị trí địa lý:

          Xã Tân Thọ nằm ở phía Bắc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa, phía tây giáp dãy núi Nưa, phía bắc giáp xã Tân Ninh - huyện Triệu Sơn, phía đông giáp xã Tân Phúc, phía nam giáp xã Tân Khang. Trên địa bàn xã có dòng sông Nhơm chảy uốn lượn qua các làng xóm của xã, hệ thống thủy nông sông Chu với hai chi nhánh kênh N8 ở phía tây và kênh Nam ở phía đông (được xây dựng từ thời pháp năm 1918 cùng với đập Bái Thượng). Về giao thông có tuyến quốc lộ 47C nối liền Nông Cống - Triệu Sơn được hình thành cùng quá trình hình thành cộng đồng dân cư, được kết nối phát triển từ thời Pháp thuộc, là con đường huyết mạch đưa những đoàn quân ra trận trong kháng chiến chống Mỹ. Những năm gần đây nhà nước mở thêm tuyến đường giao thông kết nối khu công nghiệp Nghi Sơn và cảng hành không Thọ Xuân cũng đi qua xã nên rất thuận lợi cho việc giao thông phát triển kinh tế.

          Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 527,5 ha trong đó đất nông nghiệp 234ha. Dân số:  4.650 người.

Trường Tiểu học Tân Thọ đóng trên địa bàn thôn 1 xã Tân Thọ (từ 2018 đổi là thôn Mỹ Thanh), huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trước kia từ thời lập làng là các làng Thanh Y; Bình Doãn (tên nôm gọi chung là làng Chẽ), sau Cách mạng tháng Tám đổi tên thành Thanh Bình và Mỹ Phong. 

2. Truyền thống lịch sử của địa phương

a. Truyền thống chính trị, quốc phòng, an ninh:

          Sau cách mạng tháng Tám thành công với bản tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 02/9/1945 lịch sử khai sinh ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay sau đó cả dân tộc ta tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975) cũng như hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Căm-Pu-Chia thoát họa diệt chủng, chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống Trung quốc xâm lược năm 1979-1989.

          Đảng bộ và nhân dân xã Tân Thọ đã đóng góp sức người, sức của cho đất nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Cũng như trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và xây dựng đất nước, các thế hệ nhân dân Tân Thọ đã có đóng góp một phần xương máu hoặc gửi trọn tuổi thanh xuân cho tổ quốc. Cụ thể: có 08 mẹ Việt Nam anh hùng, 121 liệt sĩ, hơn 120 thương bệnh binh. Tân Thọ có thể nói là đất nhà binh, kể từ năm 1965 nhiều thế hệ học sinh nhà trường tham gia lực lượng Công an và Quân đội, nhiều người đã rèn luyện phấn đấu  trưởng thành, có hàng chục sĩ quan trung cao cấp, có người được phong quân hàm cấp tướng.

b. Truyền thống về kinh tế, văn hóa, xã hội.

          * Về văn hóa:

          Tân Thọ là xã đã được công nhận hoàn thành phổ câp giáo dục TH và xóa mù chữ từ năm 2000, bậc THCS cũng đã hoàn thành mục tiêu PCGD THCS từ 2007.

          Xã có hệ thống giáo dục đầy đủ các cấp học, bậc học từ Mầm non, Tiểu học, THCS. Hiện nay trường Tiểu học và THCS đã được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Hằng năm số học sinh tốt nghiệp các cấp, đậu Đại học, Cao đẳng luôn cao. Toàn xã có 01 Tiến sĩ, hàng trăm người có trình độ thạc sĩ, cử nhân, cao đẳng.

          * Về kinh tế xã hội:

          Bằng những nỗ lực, nhân dân xã Tân Thọ không ngừng phấn đấu đi lên. Thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.  Xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Xã đã được công nhận xã Nông thôn mới

          Kế thừa truyền thống cha ông, từ khi có Đảng cộng sản Việt nam ra đời, nhất là từ khi Tân Thọ có chi bộ, đảng bộ với những chủ trương đường lối đúng đắn và nỗ lực của nhân dân, xã Tân Thọ đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu và sản xuất. Nhờ đó Tân Thọ không chỉ cùng cả nước bước qua hai cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG

          Trong những năm đầu vừa do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh phá hoại của giặc mỹ, vừa do điều kiện kinh tế khó khăn, địa điểm của trường không có phải học nhờ tại chùa Khánh Hưng hay còn gọi là chùa Ba xã và trong nhà dân, bàn ghế cũng chưa có mà dùng các cánh cửa chùa, đình kê lên để làm bàn viết, ghế thì đủ kiểu. Nhà chùa vừa là văn phòng, vừa là lớp học và dần dần khu vực đất chùa Khánh Hưng (lúc bấy giờ khu vực này còn rất rậm rạp với nhiều cây cổ thụ) được xây dựng làm trường học.

          Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất tổ quốc 30/4/1975, để chào mừng miền Nam giải phóng, Nam Bắc sum họp một nhà và mừng năm học mới, năm học đầu tiên của nước Việt Nam hòa bình - thống nhất. Được sự hỗ trợ từ cấp trên và sự đóng góp công sức, tiền của, đảng bộ và nhân dân Tân Thọ đã xây dựng 10 phòng học cấp 4 dùng chung cho cả 2 trường cấp 1, cấp 2. Nội thất phòng học đơn sơ với bảng đen được đắp xi măng gắn tường, bàn ghế gỗ, các lớp học ở nhà tranh tre vẫn dùng bảng gỗ kê chân tre. Sau này do kinh tế khó khăn bàn ghế gỗ hư hỏng không thay mới được, nhà trường cho làm bàn ghế bằng cây tre đóng ghép lại và côn chân xuống đất cho học sinh học, đầu những năm 90 thế kỷ XX địa phương cho xây bệ gạch đổ tấm bê tông làm bàn còn ghế vẫn là kiểu ghế tre như cũ.

Những thời đầu Trường có nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục và đào tạo cho con em trên địa bàn xã Tân Thọ cho cả 2 cấp học. Theo chương trình đổi mới giáo dục từ năm học 1993 - 1994 loại hình trường PTCS được thay thế bằng hai cấp học là TH và THCS. Trường PTCS Tân Thọ cũng được tách ra thành trường TH Tân Thọ và trường THCS Tân Thọ, cô Hoàng Thị Loan được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng và cô Nguyễn Thị Hội làm Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thọ.

          Khi mới tách, cơ sở vật chất trang thiết bị hầu như không có gì với 2 dãy nhà cấp 4 xuống cấp nặng làm phòng học và một số trang thiết bị bàn ghế cũ. Trường lại nằm trên một khu đất có điạ hình thấp mỗi lúc trời mưa nước từ các phía đổ về gặp lúc nước sông Nhơm dâng lên tràn vào trường làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của thầy và trò nhà trường, trong khi đó địa phương còn khó khăn chưa có điều kiện để nâng cấp ngôi trường.

          Đến tháng 9/2003 cô Hoàng Thị Loan được điều động làm công việc khác, thầy Lê Xuân Nghĩa từ Tân Khang được điều động làm Hiệu trưởng. Năm 2007 cô Nguyễn Thị Hội đã hoàn thành nhiệm vụ và nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Hiền được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng cho đến nay. Đến tháng 12 năm 2009, thầy  Lê Xuân Nghĩa về nghỉ hưu, thầy Nguyễn Thanh Anh đã được điều động từ Trung Ý về làm Hiệu trưởng đến nay.

          Bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong xã cùng với sự cố gắng của tập thể sư phạm nhà trường tháng 12/2014 nhà trường đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. tháng 5/2015 nhà trường được công nhận cơ quan có đời sống văn hóa tốt. Kể từ đây có thể nói nhà trường đã đứng trên một tầm cao mới về cơ sở vật chất về đội ngũ cán bộ giáo viên, về chất lượng dạy và học.

          Tiếp nối sự nghiệp phát triển giáo dục, phát triển nhà trường của các thế hệ lãnh đạo. Ban giám hiệu, hội đồng nhà trường tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội và tham mưu cho địa phương, phụ huynh đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo khuôn viên mua sắm trang thiết bị dạy học, đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ thông tin trong dạy học, quản lí trường học và nâng cao chất lượng mũi nhọn. Nhờ đó những năm gần đây CSVC nói chung, cảnh quan môi trường trường học ngày một khang trang theo hướng xanh - sạch - đẹp - bền vững, cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất có sự thay đổi căn bản toàn diện. Năm học 2019 – 2020, trường có 315 học sinh với 10 lớp chia đều cho mỗi khối.

          Trải qua những năm xây dựng và phát triển, truờng Tiểu học Tân Thọ đã vươn lên vượt qua mọi thử thách, để làm tốt công tác giáo dục, với sự nghiệp trồng người cho địa phương. Nhà trường luôn giữ vững và phát huy truyền thống thi đua dạy tốt của các thế hệ thầy cô, truyền thống hiếu học của các thế hệ học sinh, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân xã nhà, nhờ đó nhà trường ngày một tiến lên vững chắc góp phần cùng với ngành Giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

          Chi bộ Đảng nhà trường luôn sáng suốt đề ra những chủ trương, nghị quyết kịp thời sự đoàn kết và thống nhất cao là tiền đề cho mọi hoạt động, nhiều năm từ 2010 đến nay chi bộ liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được BTV huyện ủy tặng giấy khen. Tổ chức công đoàn  thực sự là tổ ấm của cán bộ giáo viên là nơi quan tâm chia sẻ tâm tư, tình cảm, bảo vệ chế độ quyền lợi cho người lao động; giới thiệu những quần chúng ưu tú cho Đảng và chính quyền;

          Cùng với sự phát triển của nhà trường phong trào Đội TNTP Hồ Chí Minh được phát triển không ngừng, luôn chú trọng xây dựng nề nếp hoạt động tự quản để dấy lên phong trào thi đua học tốt trong học sinh hằng năm được huyện đoàn, tỉnh đoàn tặng khen.

          Có được kết quả như ngày hôm nay đó chính là sự chăm lo của Đảng bộ, nhân dân xã Tân Thọ, cùng với sự nỗ lực của nhà trường; đội ngũ thầy cô giáo tận  tâm với nghề nghiệp, các thế   hệ học sinh hăng say chăm ngoan học tập. Những gì mà thầy trò nhà trường Tiểu học Tân Thọ đã đạt được là nền móng cho sự nghiệp trồng người để góp phần đào tạo ra những lớp người mới “Hiền –Tài”  kế tiếp cha anh bảo vệ và dựng xây tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

 

 

Quê tôi

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
5627